Bình Định: Phát triển sản phẩm OCOP: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế

Năm 2021, các địa phương trong tỉnh đăng ký xây dựng 40 sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh; Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, công nhận sản phẩm vào tháng 10.2021. Trên cơ sở đó, các sản phẩm OCOP năm 2021 được hỗ trợ để quảng bá trên sàn thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam.

Bà Lê Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông công thương An Nhơn (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), cho biết, năm 2021, đơn vị đăng ký tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm tinh dầu sả Java nguyên chất và tinh dầu sả chanh. Trước đó, vào năm 2020, 2 sản phẩm này đã được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bà Nguyệt phân tích: Việc đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP là một bước đệm để đơn vị sản xuất sản phẩm theo quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu thụ ra thị trường cả nước. Chương trình OCOP có những hỗ trợ cụ thể cho các DN, cơ sở, HTX sản xuất sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm thế mạnh, có các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường, bước đầu người tiêu dùng đánh giá tốt chất lượng sản phẩm tinh dầu sả của chúng tôi. HTX đang chờ kết quả từ chương trình OCOP, trên cơ sở đó tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu để đáp ứng đầu vào; quảng bá, kết nối mở rộng thị trường. Hiện, HTX Nông công thương An Nhơn đã xây dựng được vùng nguyên liệu trồng sả java khoảng 10 ha ở An Nhơn và Phù Cát, liên kết với các hộ dân để mua gom sản phẩm.

Dầu phụng Công Chính – sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 của HTX sản xuất Dầu phụng Công Chính ở Cát Tài, Phù Cát. Ảnh: THU DỊU

Tương tự, ông Võ Công Chính, Giám đốc HTX sản xuất dầu phụng Công Chính (Cát Tài, Phù Cát), cho hay, với việc đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020, dầu phụng Công Chính thêm một lần nữa chứng minh độ an toàn, tin cậy với người tiêu dùng, tăng tín nhiệm với các hộ liên kết cùng sản xuất đậu phụng tại địa phương. “Các năm tiếp theo, tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào hình thức nhãn mác bắt mắt hơn; đa dạng các dòng sản phẩm từ dầu phụng, dầu mè”, ông Chính nói.

Với tâm huyết phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống quê hương, tăng sự cạnh tranh trên thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, năm 2021, DN Hưng Thịnh Đạt (Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cho dòng nước mắm nhỉ Bếp Xưa và Hưng Hải. Ông Hồ Văn Hưng, Giám đốc DN Hưng Thịnh Đạt chia sẻ, để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao, DN phải có sản phẩm xuất khẩu. Điểm thuận lợi là hiện các dòng sản phẩm nước mắm của công ty đều xuất khẩu sang thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Mục tiêu ban đầu của DN là phát triển nghề chế biến nước mắm ở địa phương trên cơ sở liên kết các hộ dân làng nghề ở vùng biển Hoài Nhơn để xây dựng một chuỗi sản xuất cung ứng hiệu quả. Do đó, việc đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP rất thuận lợi để DN thực hiện được các bước liên kết chuỗi sau này. Đặc biệt, mới đây, DN cho ra mắt dòng sản phẩm dầu dừa nguyên chất Tam Quan được thị trường đón nhận. DN đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho dầu dừa nguyên chất để tăng độ tin cậy, mở cơ hội hợp tác với các hộ trồng dừa, tận dụng được thế mạnh vùng nguyên liệu dừa Hoài Nhơn trong sản xuất.

Sơ chế rau an toàn Lá Lành – sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019 – tại HTXNN Phước Hiệp, Tuy Phước. Ảnh: PHẠM LONG THĂNG

Đến nay, toàn tỉnh có 91 cơ sở, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; trong đó 71 cơ sở, tổ chức với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (5 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 65 sản phẩm 3 sao). Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 44 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021; hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, Chi cục phối hợp với Bưu điện đưa sản phẩm OCOP lên trang thương mại điện tử, giúp người dân bán hàng.

Theo Sở Công Thương, hiện đơn vị phối hợp với sở, ngành liên quan, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương; mở các kênh quảng bá, các gian hàng để giới thiệu sản phẩm OCOP.